Nhịp tim nhanh, đau đầu, cứng cổ, đau lưng, thở nhanh, ra mồ hôi hay đau bụng là những triệu chứng hay gặp của stress, lo âu hay trầm cảm. Nhiều ý kiến cho rằng các bệnh lý da liễu có mối tương quan chặt chẽ với stress và các bệnh lý tâm thần. Mối quan hệ giữa stress, lo âu, trầm cảm, chưa kể đến cảm giác tủi thẹn, xấu hổ, tự thấy mình thấp kém, tất cả đều có tác động đến những người đang mắc vẩy nến1, 2
Mối tương tác giữa stress và nhiều hệ sinh học trong cơ thể có thể làm khởi phát vẩy nến. Với nhiều người, lo âu và trầm cảm là những triệu chứng xảy ra sau, nhất là khi tình trạng chuyển sang mạn tính và nhất là khi tình trạng bệnh hiển thị rõ và/hoặc bệnh nhân thấy đau nhiều.
Dù cho mức độ stress được đánh giá bằng cách nào đi nữa, các nghiên cứu đã tiến hành đều cho thấy mối quan hệ giữa stress và vẩy nến. Đại đa số những người mắc vẩy nến đều cho rằng stress là nguyên nhân chính dẫn tới các đợt tiến triển, xếp nó trên nhiễm trùng, chấn thương, thuốc, chế độ ăn hay thời tiết.
Các nghiên cứu chia stress làm 3 loại chính:
1) Các biến cố stress trong cuộc sống (ví dụ các vấn đề về việc làm hay tài chính, người thân qua đời, bệnh lý của cá nhân),
2) Các trở ngại về tâm lý hoặc tính cách, và
3) Thiếu hỗ trợ từ xã hội.
Trong một nghiên cứu, bệnh nhân được đặt câu hỏi về việc loại stress nào xuất hiện trong vòng 12 tháng qua có khả năng gây khởi phát tình trạng bệnh của họ.
Các biến cố stress trong cuộc sống gặp ở 26% bệnh nhân vẩy nến, trong đó biến cố thường gặp nhất là thiệt hại hoặc vướng mắc về tài chính (8%), có người thân qua đời (4%), vấn đề về tình dục (4%), mâu thuẫn gia đình (2%), thay đổi điều kiện làm việc (2%), trượt các kỳ thi(2%), gia đình có người thất nghiệp (2%), gia đình có người ốm (2%), cưới hoặc đính hôn (2%) và các stress khác (2%)5
Cần hiểu rằng vẩy nến là một bệnh lý kéo dài cả đời, và gây ảnh hưởng tới bệnh nhân không chỉ về mặt thể chất mà còn cả về mặt tâm lý và xã hội. Từ góc độ của bệnh nhân, tác động tiêu cực nhất của bệnh không phải chỉ là các triệu chứng thực thể, mà từ mối tương quan của chúng với tình trạng cảm xúc/tinh thần của bệnh nhân. Các nhà nghiên cứu thấy rằng stress do mắc vẩy nến tự bản thân nó có thể khởi phát hoặc làm nặng thêm tình trạng trầm cảm ở các cá nhân vốn đã có xu hướng trầm cảm.
Thách thức đối với các bệnh nhân vẩy nến chính là mục tiêu cải thiện chất lượng cuộc sống, để giúp họ cùng với bác sĩ điều trị tìm ra kế hoạch điều trị cá thể hóa tốt nhất và tuân thủ chặt chẽ liệu trình đó. Thách thức chính trong việc kiểm soát tình trạng bệnh là việc tuân thủ điều trị của bệnh nhân đối với kế hoạch điều trị, cũng như các vấn đề tâm lý của họ.